Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Chùa Sùng Bảo thuộc xã Xuân Dục (Mỹ Hào - Hưng Yên) vốn rất nổi tiếng với truyền thuyết tượng đất hóa vàng. Đây còn là ngôi chùa có một cái giếng thiêng từng bị tướng giặc Cao Biền trấn yểm hòng chặn long mạch của nước ta.

Bí ẩn một truyền thuyết
Thầy Thích Tuệ Hạnh – Trụ trì chùa Sùng Bảo cho biết một truyền thuyết nổi tiếng phố Hiến liên quan đến bức tượng vàng huyền bí như sau. Ngày xưa, các mục đồng đi chăn trâu ở Xuân Dục thường dùng đất ở bãi chăn thả trâu để nhào nặn thành các pho tượng. Họ dùng lá chuối khô hoặc rơm rạ dựng thành những túp lều nhỏ để chơi đồ hàng. 

Vào một đêm mưa gió, sấm sét vang rền trời, cả một vùng đất rộng lớn đều kinh hãi. Hôm sau, khi trời quang đãng, người dân lại dắt trâu bò ra bãi thì bất ngờ phát hiện pho tượng nặn bằng đất của các mục đồng đã hóa thành vàng ròng. Thấy sự lạ, người dân đã thỉnh mời các cao tăng thời đó đặt tên cho bức tượng là Đức Phật Bà Đồng Quân và mang vào chùa Sùng Bảo để thờ. Từ đó đến nay, những câu chuyện nửa hư nửa thực liên quan đến bức tượng này cứ thế lan xa. Có chuyện kể việc vua Đinh Tiên Hoàng đánh giặc ngang qua chùa vào thắp hương cầu khấn. Phật Bà Đồng Quân đã phù hộ cho vua đại thắng dù lúc đó, lực lượng của vua Đinh Tiên Hoàng so với giặc như trứng chọi đá.

Người dân địa phương lại có tục thờ Phật Bà Đồng Quân để phù trợ mùa màng tốt tươi. Thầy Thích Tuệ Hạnh cho hay, ngày xưa khi mương máng tưới tiêu nội đồng chưa có, hạn hán liên miên, người dân đã lập đàn cầu mưa và rước tượng Phật Bà Đồng Quân từ chùa Sùng Bảo đi xung quanh đồng ruộng để cầu mưa. Các cao niên xác nhận, bao giờ cũng thế khi rước tượng xong là trời đổ mưa cho ruộng đồng ngập nước. Thế nhưng, số phận tượng vàng Phật Bà Đồng Quân cũng lắm gian truân. Theo người dân, dăm lần bảy lượt tượng vàng bị kẻ gian đánh cắp.

Cao Biền bất lực trấn yểm giếng long mạch 
Các cao niên cho hay, ở thôn Xuân Bản sát chùa Sùng Bảo có chiếc giếng cổ hàng nghìn năm tuổi. Chiếc giếng hiện nay vẫn còn khá nguyên vẹn và là nguồn nước cho cả làng sinh hoạt. Điều kỳ lạ là chiếc giếng cổ này lúc nào nước cũng trong mát và không bao giờ cạn. Tướng giặc phương Bắc Cao Biền – vốn nổi danh với những bùa chú trấn yểm, trong lần đi xem long mạch các vùng giáp thành Đại La mới phát hiện một mạch phát vương có tia năng lượng rất mạnh. Đó chính là chiếc giếng cổ của thôn Xuân Bản. Sau rất nhiều ngày tính toán để triệt hạ long mạch của giếng nhưng đều bị thất bại, cứ mỗi lần Cao Biền vứt bùa xuống giếng thì đều bị nguồn nước sủi tăm cuốn trôi bùa ngải. Vì thế, người dân địa phương thường gọi giếng cổ này là giếng Sủi. 

Trao đổi với chúng tôi, đại diện chính quyền xã Xuân Dục, ông Phan Bính Tân - Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Nước trong giếng không bao giờ cạn là sự thật. Còn việc nước sủi bọt nhiều là một hiện tượng. Khi hiện tượng chưa giải thích được thì người ta thường hay thần thánh hóa. Sau này, khi chúng tôi mời chuyên gia về khảo sát thì phát hiện khí metan dưới đó đã tạo ra hiện tượng sủi bọt”.

Cây đề của nhà ái quốc
Người quản lý khu di tích cách mạng Nguyễn Thiện Thuật ở xã Xuân Dục cho biết, liên quan đến chùa Sùng Bảo còn có cây đề cổ thụ của nhà ái quốc Nguyễn Thiện Thuật - lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy nổi tiếng. Cây đề đóng vai trò là “vọng gác” để nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật theo dõi động tĩnh cũng như từng đường đi nước bước của kẻ thù. Theo bà con địa phương, cây đề cổ thụ hiện nay đã được công nhận là cây di sản. Cây đề gắn liền với chùa Sùng Bảo, với người anh hùng Nguyễn Thiện Thuật nên ngoài ý nghĩa lịch sử cần gìn giữ và bảo vệ, nó còn mang ý nghĩa tâm linh mà cả làng đều tin rằng có thần linh ngự trị. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bao nhiêu lần làng bị pháo cày đạn xới, nhưng cây đề vẫn bình yên đứng đó, không một cành một lá nào bị rơi do bom đạn cả. Điều đó khiến dân làng tin rằng, cây đề là nơi quy tụ của thần linh và cả sự bảo vệ của nhà ái quốc Nguyễn Thiện Thuật nữa. 

Hiện nay, tại khu tưởng niệm danh tướng Nguyễn Thiện Thuật, hiện vật liên quan đến vị danh tướng này cũng được trưng bày đầy đủ để khách tham quan có thể hiểu rõ về sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của người anh hùng. Theo người quản lí di tích, vào năm 2005 chính quyền tỉnh Hưng Yên và các cơ quan Trung ương đã sang tận tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc đưa thi hài của cụ Nguyễn Thiện Thuật về truy điệu. 

Theo lời kể của người địa phương, thi hài của danh tướng Nguyễn Thiện Thuật khi đưa về Hưng Yên vẫn còn nguyên vẹn. Có lẽ, người Trung Quốc đã ướp thi hài cụ bằng một loại dược liệu quý giá nào đó.

“Cùng với cây đa Tân Trào, cây đào Tô Hiệu thì cây đề Nguyễn Thiện Thuật cũng được xếp là 1 trong 3 cây cổ thụ được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia cần được bảo tồn. Chính quyền địa phương luôn quan tâm đến di tích quý giá này cùng với quần thể chùa Sùng Bảo”, ông Phan Bính Tân – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Dục cho biết.
Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, huyện Sa Pa có trên 20 tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm, tập trung ở các xã Trung Chải, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Nậm Sài và Thanh Kim.

Chị Thào Thị Pai chăm chú với từng mũi kim trên tấm thổ cẩm sẫm màu. Đã 5 năm nay, mỗi khi kết thúc mùa vụ, chị cùng bà con trong thôn lại tới Câu lạc bộ nghề thêu thổ cẩm xã Tả Phìn (Sa Pa) nhận hàng về thêu, góp phần tăng thu nhập. Với sự khéo léo và chăm chỉ, mỗi tháng chị Pai có thêm từ 400.000 - 500.000 đồng từ nghề phụ này. Số tiền không lớn nhưng giúp chị trang trải một phần chi phí học tập của các con. Bên cạnh việc làm sản phẩm theo đơn đặt hàng, chị cũng sáng tạo nhiều mẫu thêu độc đáo, rồi bán lẻ cho khách du lịch.

Trung tâm xã Tả Phìn là nơi tập trung khá nhiều thợ thêu thổ cẩm lành nghề. Tuy không phải là nghề chính, cho mức thu nhập cao, nhưng họ đều làm bằng tất cả sự say mê, yêu thích. Tranh thủ lúc nông nhàn, hàng trăm phụ nữ người Mông, Dao nơi đây lại tự tay thực hiện những bức thêu thổ cẩm theo mẫu sẵn có để giao cho câu lạc bộ, ngoài ra họ cũng sáng tạo thêm nhiều mẫu thêu độc đáo rồi bán lẻ cho khách du lịch. Nếu như trước đây, hội viên câu lạc bộ chỉ biết thêu thì đến nay, họ có thể hoàn thiện sản phẩm của mình bằng cách may, khâu thành những vật dụng hữu ích, như túi, khăn, ví, quần áo, mũ… Sự thay đổi tích cực này đã nâng cao giá trị sản phẩm thổ cẩm và giúp cuộc sống người làm nghề vơi bớt khó khăn.
Câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm của xã San Sả Hồ hiện có 117 hội viên. Chị Má Thị Sơ, Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết: Khi có đơn hàng, câu lạc bộ sẽ tập hợp hội viên, tùy theo khả năng, hội viên tự nhận hàng về làm theo mẫu, đến hẹn thì giao hàng, rồi nhận tiền công. Hiện, 50% hội viên đã sắm được máy khâu, phục vụ làm nghề.

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, huyện Sa Pa có trên 20 tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm, tập trung ở các xã Trung Chải, Tả Phìn, Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào, Nậm Sài và Thanh Kim. Dù giá trị kinh tế đem lại từ nghề thổ cẩm là không lớn, nhưng hoạt động của các mô hình này đã giúp Sa Pa bảo tồn, phát triển nghề thêu thổ cẩm một cách tích cực. Bên cạnh nghề thêu thổ cẩm của dân tộc Mông, Dao, gần đây nghề thêu thổ cẩm truyền thống dân tộc Xa Phó cũng được lưu giữ, phát triển tại tổ, nhóm thêu thổ cẩm. Tham gia câu lạc bộ hoặc tổ, nhóm phát triển nghề thêu thổ cẩm, hội viên không chỉ được hỗ trợ học nghề, kỹ thuật, nguyên - phụ liệu, mà còn được tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm. Với cách làm này, một lượng lớn lao động tại chỗ của địa phương đã có việc làm, cải thiện cuộc sống.

Bà Hà Thị Lân, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sa Pa cho biết: Nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế từ nghề thêu thổ cẩm truyền thống là mục tiêu mà Sa Pa đang hướng tới. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nên lượng sản phẩm tiêu thụ giảm sút đồng thời thổ cẩm địa phương lại chịu sự cạnh tranh của các mặt hàng nhái, kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường, việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các tổ, nhóm, câu lạc bộ phát triển nghề thêu thổ cẩm còn yếu trong hoạt động. Đa phần, các câu lạc bộ chưa chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chủ yếu nhờ sự giới thiệu của tổ chức hoặc liên kết với doanh nghiệp du lịch. Việc “bị động” như vậy khiến hội viên thường thiếu việc làm, câu lạc bộ chỉ hoạt động tích cực khi có đơn hàng. Ngoài ra, do cơ sở vật chất hạn chế, hội viên tự nhận hàng về nhà làm, khâu quản lý chất lượng thêu, hướng dẫn kỹ thuật cho chị em chưa được thường xuyên, kịp thời, nên không ít trường hợp hội viên làm không đúng kỹ thuật, bị trả lại sản phẩm hoặc không giao sản phẩm đúng thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng lô hàng, mất niềm tin với đối tác.

Lưu giữ nghề truyền thống là cách làm du lịch bền vững mà nhiều địa phuơng trong cả nước đang thực hiện. Nghề thêu thổ cẩm của các dân tộc huyện Sa Pa đã và đang có những bước đi phù hợp để thích ứng, tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, để nghề truyền thống này phát triển hơn nữa, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các nhà đầu tư.
Người Nùng có mặt ở Hà Giang từ rất sớm, tập trung nhiều ở các huyện: Xín Mần, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên. Dân tộc Nùng hiện nay còn bảo lưu được nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, tiêu biểu là tục cúng Thần Rừng.

Thần Rừng tiếng Nùng gọi là ‘‘Đông Chứ’’. Trong quan niệm của người Nùng thì Thần Rừng được coi là một vị thần linh thiêng che chở cho dân làng trong cuộc sống hằng ngày. Thậm chí khi trong nhà có người bị ốm, gia đình đó phải mổ một con gà và làm một mâm cơm cúng trên sàn nhà và mời Thần Rừng đến chứng giám, phù hộ cho người thân của họ mau chóng khỏi bệnh.
Hiện nay, một số thôn bản người Nùng của tỉnh Hà Giang đều có một khu rừng cấm riêng, trong khu rừng này, mọi người dân trong thôn bản đều ý thức được những điều cấm kỵ như: Không được chặt cây, lấy củi, nói bậy, săn bắt thú, làm việc xấu, hoặc đại tiểu tiện trong rừng... Nhân dân địa phương vẫn còn lưu truyền rất nhiều câu chuyện ly kỳ về những cá nhân đã vi phạm vào điều cấm kỵ bị Thần Rừng trừng phạt. Những điều cấm kỵ đó cho dù không được quy định trong các hương ước của thôn bản nhưng mọi người đều biết rất rõ và có ý thức tuân thủ.
Lễ cúng thần rừng được tổ chức hằng năm vào ngày 30 tháng Giêng và ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch. Đồng bào lập đàn cúng dưới gốc cây cổ thụ nhất trong khu rừng cấm. Lễ vật cúng là lợn, gà, sau khi mổ xong sắp nguyên cả con (chưa qua chế biến) cùng với tiết và nội tạng bày lên mâm cúng. Trên mâm cúng có 12 chiếc chén, 12 đôi đũa và 12 chiếc bát. Người Nùng quan niệm: con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Để chuẩn bị cho lễ cúng, người Nùng còn phải chuẩn bị các lễ vật: 1 con lợn, 1 con gà trống, 1 nồi cơm cúng, 1 chai rượu, các hộ gia đình khi đi dự lễ mang theo 1 bó hương, 1 thếp giấy bản, kèm theo 1 gói cơm nắm, 1 chai rượu, 1 chén, 1 bát và 1 đôi đũa để ăn cơm khi buổi lễ kết thúc.
Sau khi chuẩn bị xong đồ lễ cúng, thầy cúng lấy những thệp giấy bạc do bà con dân bản mang đến gấp đủ 12 quân giấy bạc - tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Các quân giấy bạc này trông như con thuyền, dùng để thay cho những đồng tiền trước đây, gọi là ngân khố.
Xưa kia, trong mỗi dịp tổ chức lễ cúng Thần Rừng thì mỗi gia đình chỉ có 1 người nam giới đại diện cho gia đình đến tham dự. Tuy nhiên hiện nay, người Nùng không còn quan niệm phân biệt nam hay nữ khi đến dự lễ cúng Thần Rừng mà cả nam và nữ đều được mời đến tham dự.
Thầy cúng thắp 5 nén hương, sau đó mời các vị thần linh về dự lễ cúng của dân làng. Đại ý: ‘‘Hôm nay, ngày lành tháng tốt, mời 4 phương của núi rừng, tôi thay mặt dân làng mời thần linh chốn rừng cao nhất... mong các thần phù hộ cho chúng tôi không bị ốm đau bệnh tật, hoạn nạn bỏ qua, những gì khó khăn tránh xa người dân... cầu cho mùa màng tốt tươi...’’
Thầy cúng phải mời đủ 5 lần như vậy. Sau đó mới đưa lễ lên cúng, tiếp theo mọi người chuẩn bị giúp thầy cúng xới cơm, mời Thần Rừng ăn cơm. Người Nùng quan niệm, sau khi ăn no đủ Thần Rừng sẽ quay trở về nơi cũ. Vì vậy, lúc này thầy cúng phải thực hiện một nghi lễ nữa, đó là cúng một bài đưa tiễn Thần Rừng về. Kết thúc buổi lễ, thầy cúng cùng mọi người quây quần bên nhau để hưởng lộc, ăn cơm tại nơi cúng.

Như vậy, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng thông thường mang đậm nét văn hóa của cư dân nông nghiệp, tục cúng Thần Rừng của người Nùng còn mang một ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, đó là ý nghĩa giáo dục nhân dân tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống xung quanh con người... Với ý nghĩa như vậy, tục cúng rừng của người Nùng ở nước ta nói chung và ở Hà Giang nói riêng là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Từ ngày 5 – 9/4/2014, tại khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội), Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Du lịch và một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Mùa Xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2014” nhằm tôn vinh giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc, đồng thời kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng. Đây cũng là dịp để du khách tham gia vào các hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt là văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.;

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đặc sắc sẽ được tổ chức như: lễ khai mạc hội chợ hàng Việt (sáng 5/4) với lễ phát động “Chương trình truyền thông Việt đồng hành cùng doanh nghiệp” và khởi bay khinh khí cầu treo logo của các doanh nghiệp; lễ hội hàng Việt (5 – 9/4) với 100 – 150 gian hàng trưng bày sản phẩm của các làng nghề truyền thống, hàng tiêu dùng, các sản phẩm văn hóa du lịch phục vụ nhu cầu khách tham quan; triển lãm bản lĩnh doanh nghiệp Việt thời hội nhập cung cấp thông tin về các sản phẩm và dịch vụ tiêu biểu của các đơn vị qua giao thương hàng hóa.

Nổi bật trong các hoạt động là chương trình khởi dựng không gian văn hóa Việt với các khu: ẩm thực chợ quê trình diễn và bán các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của các vùng miền (bánh chưng, bánh giò, bánh gai, bắp nướng, bắp luộc, chè hạt sen, trái cây…); làng nghề các vùng miền, nơi du khách có thể tham quan và mua các sản phẩm; khu trò chơi dân gian đặc trưng của các vùng miền (đu tiên, ném còn, tổ tôm điếm, múa rối, cờ tướng, cờ người, kéo lửa nấu cơm thi…); lễ hội văn hóa cộng đồng (hội thả chim, hội thả diều, hội chợ, hội thư pháp, lễ rước đám cưới chuột, lễ hội dân gian đường phố…); trình diễn và giới thiệu một số loại hình văn hóa dân gian (rối nước, rối cạn, thư pháp, hát xoan, hát xẩm, ca trù, chèo, múa hát hầu đồng…), đặc biệt là hình ảnh, không gian văn hóa của Hà Nội và đền Hùng – Phú Thọ; hội thi bánh chưng bánh giầy tái hiện lại sự tích Lang Liêu dâng bánh lên Vua Hùng thứ 6; lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng…

Bên cạnh các hoạt động văn hóa, du lịch, trong những ngày diễn ra chương trình “Mùa Xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2014” còn có các hoạt động hướng thiện như: huy động sức mạnh truyền thông từ các cơ quan báo chí và các tầng lớp xã hội để tổ chức các hoạt động kêu gọi từ thiện trên các sản phẩm báo chí; tổ chức lễ cầu an và thả đèn hoa đăng tại Hồ tâm linh…, trong đó điểm nhấn là đêm nghệ thuật “Khát vọng mùa Xuân” gây Quỹ Nhân ái ủng hộ trẻ em nghèo hiếu học vào 20h00 ngày 9/4 tại sân khấu đa năng Thiên đường Bảo Sơn với sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng trong nước. Chương trình cũng sẽ chọn ra 10 người đẹp tại cuộc thi Hoa hậu Ảnh Ms AdAsia 2013 và công bố người đẹp được chọn là Đại sứ Nhân Ái của Hội Nhà báo Việt Nam tham gia một số hoạt động hướng thiện do Hội tổ chức. 

Chương trình “Mùa Xuân tôn vinh văn hóa dân tộc 2014” là dịp để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp du lịch, làng nghề, các nghệ nhân có dịp giao lưu, giới thiệu sản phẩm cho du khách trong dịp kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng 2014. Qua chương trình, Ban Tổ chức sẽ huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội, các doanh nghiệp ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hướng tới thành lập Quỹ Nhân ái thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Thành công của chương trình sẽ tạo tiền đề để tổ chức thường niên sự kiện này trong những năm tiếp theo.
Tối ngày 27/3 đã diễn ra Lễ Khai mạc Ngày hội du lịch Tp. Hồ Chí Minh lần thứ 10 năm 2014 tại Khu B Công viên 23/9 (Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh).

Ngày hội du lịch Tp. Hồ Chí Minh năm 2014 diễn ra từ ngày 27/3/2014 đến ngày 30/3/2014 được tổ chức bởi Sở VH - TT&DL TP.HCM phối hợp với Cục Công tác phía Nam - Bộ VH - TT&DL cùng Hiệp hội du lịch TP.HCM.

Tại lễ hội có khoảng 150 gian hàng về du lịch văn hóa thuộc các doanh nghiệp vận chuyển, du lịch lữ hành, khu nghỉ mát, các hãng hàng không trong và ngoài nước, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch đến từ 39 đơn vị tỉnh và thành phố.

Lễ hội du lịch năm nay được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như Liên hoan tôn vinh thương hiệu Du lịch Việt, giao lưu, bình chọn và tôn vinh những thương hiệu du lịch Việt Nam uy tín và Liên hoan "Giọng hát vàng Du Lịch Thành phố Hồ Chí Minh" lần 10 với nhiều chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước con người và danh lam thắng cảnh gắn với du lịch trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Cũng trong thời gian này, Ban tổ chức lễ hội cũng thực hiện các chương trình triển lãm, giới thiệu sản phẩm, hình ảnh du lịch và các hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, hấp dẫn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và giải trí của người dân.

Các gian hàng được sự quan tâm hưởng ứng của khách tham quan

Kết hợp tại ngày hội, các doanh nghiệp du lịch lữ hành cũng thực hiện việc giới thiệu các gói du lịch hấp dẫn vào các thởi điểm trong năm đồng thời tung ra các chính sách khuyến mãi nhằm tạo sự hấp dẫn cũng như thu hút khách tham quan.

Đây là một sự kiện truyền thống của ngành du lịch thành phố trải qua 9 năm hình thành và phát triển. Chính vì vậy, thông qua sự kiện lần thứ 10 này hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận, tăng cường mối quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh thành trong cả nước. Đồng thời thể hiện sự đầu tư mạnh mẽ không ngừng nghỉ của ngành du lịch Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận nói riêng. Từ đó quảng bá hình ảnh con và văn hóa dân tộc Việt Nam ngày càng rộng lớn hơn trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý về du lịch huyện Sa Pa, trong quý I năm 2014, lượng khách du lịch đến với Sa Pa tăng so với cùng kỳ năm 2013. Tổng lượng khách đến Sa Pa du lịch 3 tháng đầu năm 2014 đạt 133.864 lượt, trong đó, khách quốc tế là 27.098 lượt; khách du lịch đến Sa Pa tăng là do thời tiết dịp đầu năm rất thích hợp cho việc đi du lịch.

Bên cạnh đó, huyện Sa Pa đã tổ chức được nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, nên đã thu hút được du khách tham gia các chương trình du lịch.

Dự kiến trong qúy II năm 2014, khu du lịch Sa Pa sẽ đón 268.000 lượt khách, trong đó, lượng khách nội địa được dự đoán sẽ tăng cao bởi người dân tham gia các loại hình du lịch nghỉ hè, nghỉ lễ 30/4 và 01/5.

Để chuẩn bị đón khách du lịch trong thời gian tới, các cơ quan chức năng huyện Sa Pa đã tiến hành kiểm tra, thẩm định các dịch vụ lưu trú, lữ hành trên địa bàn huyện; hướng dẫn các gia đình làm du lịch cộng đồng ở xã Bản Hồ, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn chuẩn bị tốt các điều kiện đón khách.
Ngày 26/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đi thăm và làm việc chuẩn bị xây dựng Dự án Khu Du lịch Năng Cát ở xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, Tỉnh Thanh Hóa.

Cùng đi có đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Tài nguyên và Môi trường.

Trước khi làm việc với huyện Lang Chánh, đồng chí Phạm Đăng Quyền cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Khu Du lịch Năng Cát ở  xã Trí Nang, Di tích lịch sử chùa Mèo ở xã Quang Hiến.

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Lang Chánh, Khu Du lịch Năng Cát nằm ở chân núi Chí Linh, xã Trí Nang, ở độ cao 650 m so với mực nước biển, cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Trong Khu Du lịch Năng Cát có thác Ma Hao đã được UBND tỉnh công nhận di tích thắng cảnh cấp tỉnh, có một bản người Thái đen và dấu tích đền thờ Lê Lợi. Khu Du lịch Năng Cát không có lũ lớn vào mùa mưa, nhiệt độ trung bình vào mùa hè dao động từ 15 đến 19 độ và được ví như Đà Lạt thu nhỏ. Đặc biệt, làng Năng Cát có 124 hộ, với 576 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Thái đen sinh sống còn giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Thác Ma Hao vẫn còn nguyên sơ nên có khả năng xây dựng thành khu du lịch sinh thái, gắn với du lịch tâm linh. Ngoài ra, nguồn nhân lực lao động tại chỗ phục vụ cho du lịch tương đối dồi dào với trên 50% số dân trong độ tuổi lao động. Để phát huy lợi thế trên, năm 2011 huyện Lang Chánh đã xây dựng đề án bảo tồn bản sắc văn hóa làng Năng Cát. Hiện nay, huyện đã vận động người dân trong làng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là gìn giữ nhà sàn và các nghề truyền thống. Thời gian qua,  huyện đã hỗ trợ cho người dân trong làng đi tham quan, học tập kinh nghiệm  làm du lịch tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Gắn với tua du lịch này, huyện còn có Khu di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Mèo ở xã Quang Hiến. Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời Nguyễn, hiện đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Tiềm năng du lịch là vậy, tuy nhiên hiện nay khu du lịch vẫn chưa được đầu tư các công trình phụ trợ, như: con đường mòn dài gần 700 m vào khu du lịch, nhà hàng,  khách sạn, nhà nghỉ, công trình nước sạch, công trình vệ sinh....

Cuối năm 2013, Khu du lịch thắng cảnh Ma Hao và làng Năng Cát đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho quy hoạch xây dựng  Khu Du lịch Năng Cát và giao cho Viện Quy hoạch và Kiến trúc tỉnh phối hợp với UBND huyện Lang Chánh tiến hành lập quy hoạch. Đến nay, Viện Quy hoạch và Kiến trúc đã xây dựng xong các bước xác định nhiệm vụ quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận của các ngành và huyện Lang Chánh, phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền nhấn mạnh: tiềm năng phát triển du lịch ở Khu Du lịch Năng Cát rất lớn. Với lợi thế về khí hậu lý tưởng, đồng chí đề nghị huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu quy hoạch vùng để đưa các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trên cơ sở gắn với du lịch sinh thái; tích cực quảng bá  hình ảnh về tiềm năng, thế mạnh du lịch. Tích cực đấu mối với các ngành có liên quan để hỗ trợ nguồn vốn xây dựng tuyến đường giao thông từ bản Năng Cát đi khu nuôi thử nghiệm cá hồi, cá tầm nước lạnh đã được UBND tỉnh phê duyệt... Về triển khai đề án xây dựng phát triển Khu Du lịch Năng Cát, đề nghị huyện Lang Chánh, Viện Quy hoạch và Kiến trúc tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan sớm hoàn thành quy hoạch trình UBND tỉnh.
Chuyên trang du lịch nổi tiếng của Anh Rough Guides gần đây đã bình chọn những đất nước sau đây là nơi có nền văn hóa ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới, trong đó có Việt Nam.

1. Italy: Đứng đầu danh sách là ẩm thực Ý. Từ các món ăn đặc trưng như mì ống, pizza tới cách chế biến các thực phẩm thông thường như cá, thịt... món ăn Ý đều mang đến hương vị tuyệt vời của sự tinh tế.

2. Thái Lan: Vị trí thứ hai thuộc về Thái Lan. Vị cay nóng đặc trưng từ ớt, sả tươi hay lá chanh là hương vị không thể quên cho bất kỳ du khách nào đã từng thưởng thức món ăn Thái.

3. Ấn Độ: Hương vị mạnh mẽ cùng màu sắc ấn tượng là điều khiến mọi người nhớ tới ẩm thực Ấn Độ. Bên cạnh đó, sự kết hợp độc đáo giữa vị cay của ớt và vị ngọt béo của dừa trong hầu hết món ăn cũng là điều thú vị của món ăn Ấn Độ.

4: Nhật Bản: Tươi ngon tuyệt đối, trình bày hoàn hảo, ẩm thực Nhật có những món ăn đứng vào hàng "thượng phẩm" trên thế giới.

5. Việt Nam: "Ẩm thực Việt Nam pha trộn hoàn hảo giữa sự tinh tế của châu Á và nét cổ điển của ẩm thực Pháp" - đánh giá được hầu hết mọi người ủng hộ này đã đưa Việt Nam lọt top 5 nền ẩm thực giá trị nhất thế giới.

6. Trung Quốc: Đất nước Trung Hoa rộng lớn có vô số món ăn ngon cho bạn thưởng thức. Sự đa dạng hương vị của các loại bánh bao, các loại trà và gia vị là điều dễ hấp dẫn bạn ngay lần đầu tiên tới đây.

7. Pháp: Những chiếc bánh hảo hạng nhất chỉ có thể được tìm thấy ở Pháp, sự ngọt ngào ấy đã đưa Pháp đến với vị trí thứ 7 trong danh sách này.

8. Indonesia: Đất nước Indonesia thật may mắn khi sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt diệu cùng nền văn hóa ẩm thực phong phú đa dạng và thú vị bậc nhất thế giới.

9. Mexico: Từ món burritos truyền thống tới món thịt sốt ớt cay xé lưỡi, sự kết hợp độc đáo của các loại gia vị và màu sắc hấp dẫn khiến đồ ăn Mexico có sức hấp dẫn khó cưỡng.

10. Singapore: Tôm say rượu, cua sốt ớt, cà ri laska... chỉ cần nhắc vài cái tên thôi là ai cũng muốn tới quốc đảo này ngay lập tức để thưởng thức chúng.

11. Tây Ban Nha: Có rất nhiều "tín đồ" của ẩm thực Tây Ban Nha trên toàn thế giới. Từ món khai vị tapas nhiều màu sắc đến món cơm thập cẩm paella hấp dẫn, bất kì món ăn đặc sắc nào đến từ nền ẩm thực này cũng khiến bạn phải "nuốt nước miếng" khi chiêm ngưỡng.

12. Thổ Nhĩ Kỳ: Bánh mì Doner Kebab, một trong những món ăn đường phố được yêu thích nhất thế giới là niềm tự hào của người Thổ Nhĩ Kỳ. Đất nước xinh đẹp này còn có nhiều món ăn độc đáo chờ bạn khám phá.

13. Anh: Thật ra, ẩm thực cổ truyền Anh không quá đặc sắc với một vài nguyên liệu quen thuộc như cá, thịt cừu và khoai tây. Ngày nay, cánh cửa hội nhập đã mang tới Anh nhiều món ăn ngon, góp phần đưa Anh có mặt trong danh sách các nền ẩm thực hấp dẫn trên thế giới.

14. Lebanon: Quốc gia nhỏ bé vùng Trung Đông nổi tiếng với những món hải sản tươi ngon cùng trái cây ngọt ngào. Điều đó mang lại niềm hào hứng cho bất kì ai từng khám phá ẩm thực nơi đây.

15. Malaysia: Ẩm thực Malaysia thu hút bởi sự phong phú trong nguyên liệu và hương vị. Đây cũng là một điểm du lịch được đánh giá cao.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tiền Giang, năm 2014, địa phương này sẽ đầu tư 430 tỷ đồng để phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát huy tiềm năng du lịch sinh thái nhằm thu hút trên 633 nghìn lượt khách quốc tế và trên 752 nghìn lượt khách nội địa, với tổng doanh thu từ du lịch trên 376 tỷ đồng.

Chạy dọc sông Tiền tới vùng biển Đông, với chiều dài 120km, tỉnh Tiền Giang đã hình thành ba vùng sinh thái tự nhiên khá thuận lợi để phát triển du lịch. Những năm qua, các cấp, ngành và địa phương của tỉnh này đã phát huy lợi thế tiềm năng hiếm có để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong năm 2013, ngành Du lịch Tiền Giang đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và những yếu tố bất lợi đã tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh du lịch. Tuy nhiên, trong năm 2013, ngành Du lịch Tiền Giang vẫn đón 1,2 triệu lượt khách, tăng 9,31% so với năm 2012, trong đó, có 586.692 lượt khách quốc tế, tăng 8,16% so với năm 2012 và 691.203 lượt khách nội địa, tăng 10,31% so với năm 2012. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 330 tỷ đồng, tăng 17,41% so với năm 2012.
Ngay trong những tháng đầu của năm 2014, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế cũng đã đến với Tiền Giang khá đông, chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, đã có 50 nghìn lượt khách du lịch đến Tiền Giang, tăng 14,4% so với Tết Nguyên đán năm trước, trong đó có 14 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu trong những ngày Tết tăng đến 53,5% so với cùng kỳ.

Với lợi thế có vùng sinh thái nước ngọt gồm những kênh rạch đan xen nhau, cùng với vườn cây trái trên các cù lao và vùng dân cư nằm dọc sông Tiền của các huyện như: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thành phố Mỹ Tho, nơi đây đã hình thành những khu du lịch sinh thái sông nước miệt vườn nổi tiếng hấp dẫn du khách như: Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch Cái Bè, trong đó cù lao Thới Sơn hiện là trung tâm đón khách du lịch của tỉnh Tiền Giang, mỗi năm đón hơn 300 nghìn lượt khách, trong đó có tới 70% là khách quốc tế.

Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có các vùng sinh thái ngập mặn như Khu du lịch biển Tân Thành, phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ biển. Khu du lịch này trong tương lai, sẽ nối tuyến với bãi biển Vũng Tàu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các nơi khác bằng thuyền máy du lịch và thuyền cao tốc.

Ngoài ra, Tiền Giang còn có vùng sinh thái ngập phèn ở huyện Tân Phước là đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã hình thành nên khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười với khu trung tâm 100ha và mở rộng vùng đệm xung quanh từ 100ha đến 150ha rừng tràm. Đây là hệ sinh thái ngập phèn độc đáo ở Việt Nam với những loài động vật, thực vật đặc hữu như tràm vó, sao, súng, bàng, lác, chim, cò, trăn, rùa, ong mật..., những loài trên sẽ phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học cũng như là nơi tham quan nghỉ dưỡng cho khách du lịch.

Không chỉ có các vùng du lịch sinh thái đặc trưng, Tiền Giang còn phát triển theo hướng du lịch lịch sử - văn hóa và lễ hội dân gian. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, địa phương này hiện có 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, trong đó có 10 di tích lịch sử - văn hóa đang thu hút mạnh khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu như: Di tích Rạch Gầm - Xoài Mút, Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Trương Định, Nhà thờ Trương Định, Lăng Thủ Khoa Huân, Lăng Hoàng Gia, chùa Vĩnh Tràng, khảo cổ Óc Eo Gò Thành.v.v… Đây là những điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu, học tập, đặc biệt là đối với khách du lịch là những người trẻ tuổi, đến tìm hiểu về truyền thống lịch sử anh hùng của đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ.

Để tăng sức hấp dẫn cho các tour du lịch sinh thái miệt vườn, tham quan phong cảnh sông nước Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang đã thường xuyên mở thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, có tính hấp dẫn cao, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh, du khách quốc tế như: du thuyền trên sông Tiền, tham quan vườn cây ăn quả đặc sản Tiền Giang, đò chèo trên sông, rạch, nghe đờn ca tài tử, tham quan làng nghề truyền thống, thăm Trại rắn Đồng Tâm - nơi có khu nuôi dưỡng rắn độc lớn nhất Đông Nam Á...

Do làm tốt công tác xã hội hóa hoạt động du lịch, nhiều làng nghề truyền thống ở Tiền Giang đã được khôi phục, các phong tục cổ truyền độc đáo tại miệt vườn sông nước Tiền Giang cũng được phát huy. Điển hình như: Nghề làm cốm kẹo, làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và những nguyên liệu tại chỗ, nuôi ong mật, sinh hoạt đờn ca tài tử miệt vườn sông nước… tạo nên nét độc đáo trong bản sắc văn hóa ở những điểm du lịch nổi tiếng của Tiền Giang và đã thật sự thu hút du khách.

Cơ sở vật chất hoạt động kinh doanh du lịch của Tiền Giang ngày càng phát triển khá mạnh với hàng chục đơn vị kinh doanh lữ hành, trong đó có các đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh vận chuyển khách du lịch. Cùng với đó là hàng trăm hướng dẫn viên du lịch, trên 200 cơ sở lưu trú du lịch, 24 nhà hàng với đầy đủ các phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng thuyền máy, đò chèo và ca-nô.

Mục tiêu đến năm 2020 phát triển du lịch Tiền Giang cơ bản trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Khả năng đóng góp của ngành kinh tế du lịch trong tổng GDP của tỉnh này đến năm 2015 là 4,54% và đến năm 2020 là 4,62%.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, tỉnh Tiền Giang đón trên 1 triệu lượt du khách và là tỉnh được đánh giá là có lượng khách quốc tế đến du lịch, tham quan chiếm tỷ trọng rất cao so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Hà Giang, đồng bào Tày chiếm khoảng 30% dân số. Đồng bào Tày có đời sống văn hóa phong phú, một trong những nét đẹp văn hóa đó là lễ mừng thọ đầu xuân.

Mùa xuân là thời điểm vạn vật giao hoà, đó cũng là lúc các gia đình có người cao tuổi tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ mình. Khác với một số dân tộc khác thường mừng thọ theo các tuổi chẵn 70, 80, 90, người Tày thường mừng thọ vào các tuổi lẻ 49, 61 và 73. Thông thường ở độ tuổi 73, người Tày mới làm thọ to và sau đó trở đi, dù sống đến bao nhiêu cũng không làm mừng thọ nữa. Theo giải thích các năm trên là năm hạn trong đời, nên tổ chức mừng thọ cũng là để giải hạn.

Có dịp về xã Phú Linh (Vị Xuyên) được chứng kiến việc tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi, mới thấy hết ý nghĩa, nét đẹp được đồng bào Tày nơi đây lưu giữ. Theo truyền thống ở đây, để tổ chức mừng thọ, các gia đình phải mời thầy tạo. Trong thời điểm mừng thọ, con cháu quây quần, bà con sum họp chúc tụng cho người được mừng thọ. Theo phong tục, gia đình phải làm một mâm cúng tươm tất gồm đôi gà - vịt, thủ lợn và bốn chân lợn, bánh dày, rượu và hoa quả. Thầy tạo sẽ viết những câu chúc thọ bằng chữ Nôm hoặc Hán lên giấy đỏ, vải đỏ treo và dán lên các cột chính trong nhà. Tiếp đó, thầy tạo cúng ở 2 nơi là dưới gầm sàn và trên sàn. Cúng dưới sàn với ý nghĩa báo tin, tạ ơn thổ công, thổ địa; cúng trên nhà sàn với ý nghĩa báo cáo với gia tiên. Lúc này, con cháu, anh em, bà con quây quần đông đủ để nghe thầy tạo đọc các bài cúng kèm với tiếng trống, chiêng, tao nên không khí lễ rộn ràng. Khi cúng, người được cúng phải ở trong buồng, gia đình lấy một tấm vải trắng gấp thành 9 gấp nếu là phụ nữ và mỗi gấp được gấp kèm một bông lúa, nếu là đàn ông thì gấp 7 gấp rồi để trong buồng. Khi cúng lễ song, con cháu dẫn bố, mẹ từ trong buồng ra dẫn theo tấm vải gấp rồi để người được mừng thọ ngồi chỗ làm lễ cho con cháu bón cơm, nước với ý nghĩa chăm sóc, báo hiếu cho bố mẹ. Anh em, hàng xóm lúc này mang quà đến chúc thọ, hàng xóm thì mang gà, gạo đến biếu, anh em, họ hàng thì làm bánh dày, vải đỏ... đến biếu cho người đắc thọ.

Trong lễ mừng thọ, con rể (nếu không có con rể thì cháu rể) của gia đình phải tự tay làm một chiếc nhà khoăn thật đẹp (một cái cổng gỗ) với ý nghĩa là để mừng thọ cho bố, mẹ vợ, tiếp sức, đón đưa cho họ khi tuổi già. Các chàng rể mang lễ gồm 2,5 m vải đỏ, đôi gà, vịt, bánh dày, rượu đến rồi nhờ thầy tạo cúng mừng thọ cho bố, mẹ vợ. Các chàng rể sẽ tự tay đan cái giỏ nhỏ bằng vốc tay, cho thóc khô, tiền giấy, vải đỏ vào chiếc giỏ đó rồi treo lên nóc nhà khoăn và trên nóc nhà sàn. Nếu gia đình nào còn cả bố mẹ thì các chàng rể làm nhà khoăn có 4 cột, nếu chỉ còn bố hoặc mẹ thì chỉ làm nhà khoăn 2 cột. Việc làm nhà khoăn xong, các chàng rể sẽ tiến hành cúng lễ tại đó, sau đó mời bạn bè, anh em cùng hạ lễ xuống và ăn uống ngay tại nhà khoăn.

Lễ mừng thọ của người Tày ở Phú Linh nói riêng và một số địa phương khác có thể có những nét khác nhau về cách tổ chức, nhưng đều có chung một mục đích là mừng thọ và giải hạn. Lễ là dịp để anh em, họ hàng, làng xóm cùng quây quần, chứng tỏ mối quan hệ tình cảm khăng khít, trọng tình nghĩa của người Tày. Nghi lễ mừng thọ đầu xuân của người Tày cũng thể hiện nét văn hoá tâm linh của người Tày, cầu thần linh phù trợ cho con người được sống lâu, sinh sôi, no đủ. Đặc biệt, nghi lễ cũng giáo dục con cháu đức hiếu thảo. Qua đây cũng là dịp để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cộng đồng của người Tày cùng gắn kết chặt chẽ để đấu tranh và sinh tồn trước cuộc sống./

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Nằm ở vị trí địa lý tự nhiên và địa hình đa dạng với đủ loại núi, rừng, đồi, đồng bằng, ven biển và hải đảo cùng các cảnh quan tuyệt đẹp nổi tiếng, Quảng Bình được đánh giá có tiềm năng lớn về du lịch. Đặc biệt khi các hang động được xếp hạng nhất nhì thế giới liên tiếp được khám phá trong những năm gần đây, lượng du khách đến Quảng Bình không ngừng tăng lên, từ hơn 500 ngàn lượt năm 2005 đến hơn 1 triệu lượt năm 2013.

Tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch Quảng Bình
Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi, có rừng, biển, sông và nhiều cảnh quan đẹp, với chiều dài dọc bờ biển là 116 km có nhiều bãi tắm đẹp như: Vũng Chùa - Đảo Yến (Nơi yên nghỉ của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp), Đá Nhảy, biển Nhật Lệ, Hải Ninh... có điều kiện thuận lợi để xây dựng phát triển các tổ hợp nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí cao cấp. Vùng ven biển có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Đèo Ngang, đèo Lý Hòa, cửa biển Nhật Lệ với quần thể di tích và danh thắng của TP. Đồng Hới... Đặc biệt, Quảng Bình có Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, giá trị nổi bật nhất về địa chất, địa mạo đá vôi phức tạp ở Đông Nam Á với những hang động tuyệt đẹp nổi tiếng như động Phong Nha, Thiên Đường và Sơn Đoòng, động lớn nhất thế giới (được tạp chí Business Insider xếp vào danh sách 12 hang động kỳ vỹ nhất thế giới), nơi chứa đựng các giá trị nổi bật toàn cầu về tính da dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên. Vừa qua, chuyên mục du lịch của tờ The New York Times (Mỹ) đã bình chọn Quảng Bình, Việt Nam đứng thứ 08, trong tốp 52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới và là điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á năm 2014, đây là một điểm nhấn quan trọng đối với phát triển du lịch Quảng Bình trong thời gian tới.

Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng có hệ thống hang động kỳ vỹ được mệnh danh là "Vương quốc hang động" nơi tiềm ẩn nhiều điều mới lạ và hấp dẫn như: Động Phong Nha, hang Tiên Sơn, hang Tối, hang Én, hang Vòm và hang Thung... trong đó có động Phong Nha nổi bật với chiều dài khảo sát gần 8 km, chủ yếu là sông ngầm và được đánh giá là một trong cảnh quan đẹp nhất với các đặc trưng: Có sông ngầm đẹp nhất, cửa hang cao nhất và rộng nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, hang nước dài nhất. Đây là tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, Quảng Bình còn có Suối nước khoáng Bang với nhiệt độ tự nhiên lến đến 105oC, có hàm lượng khoáng chất tốt, có thể sản xuất nước giải khát cao cấp; địa thế đẹp để xây dựng vùng này trở thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, Quảng Bình có nhiều di tích lịch sử cách mạng đường Hồ Chí Minh có giá trị đặc biệt về tâm linh và danh thắng thu hút được khách du lịch như đường Trường Sơn huyền thoại, cổng Trời, khe Gát, hang Tám Cô, phà Xuân Sơn, Long Đại, Quán Hàu, ngã tư Thạch Bàn.
Quảng Bình là vùng đất giao thoa văn hóa của 02 Miền Nam - Bắc. Trong lịch sử hình thành, đấu tranh dựng nước và giữ nước, nơi đây còn lưu giữ được nhiều di tích văn hóa lịch sử, như giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể rất thuận lợi để kết hợp phát triển nhiều lại hình du lịch. Nơi đây đã sinh ra nhiều vị danh nhân anh hùng nổi tiếng về cuộc đời và sự nghiệp đã góp phần làm thay đổi diện mạo lịch sử đất nước như: Thượng đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, người đi mở cõi phía Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều người con ưu tú khác... đã gắn liền với 02 cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm... 

Song song với sự phát triển kinh tế, tỉnh đã chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật phục vụ khách du lịch, đồng thời nâng cấp, mở rộng mới các khách sạn Mường Thanh, Hữu Nghị, Bảo Ninh Resort. Cùng với sự tài trợ của Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông Quảng Bình nhiều tuyến tham quan du lịch được đầu tư nâng cấp, xây dựng nhằm đáp ứng ngày càng cao của du khách khi đến với Quảng Bình như: Thung lũng Sinh Tồn - hang Thủy Cung, khám phá du lịch thiên nhiên rào Thương - hang Én, sông Chày - hang Tối, động Tú Làn, hang Sơn Đoòng, Động Tiên Sơn - Phong Nha, Khu du lịch cộng đồng thôn Chày Lập, hạ tầng khu nhà làm việc Hang Tám Cô, Đài quan sát linh trưởng tại Trộ Mợng, vườn thực vật, điểm ngắm thác Gió… Động Tiên Sơn được coi là “Thiên Nam đệ nhất động” là một địa điểm yêu thích của khách du lịch khi đến với Phong Nha - Kẻ Bàng. Để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho du khách trong nước, quốc tế khi đến tham quan du lịch, tìm hiểu và nghiên cứu về động Tiên Sơn. Ngoài ra, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với Ban Quản lý Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông tỉnh mở nhiều lớp tập huấn đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên các cơ sở lưu trú như: Tổ chức các hội thảo "Doanh nghiệp lữ hành trong kết nối các làng nghề truyền thống và sản phẩm địa phương phục vụ du lịch”.

Để khẳng định thương hiệu của du lịch Quảng Bình với bạn bè trong nước và quốc tế, tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tại Thái Lan, Lào, Đức; tham gia các hội chợ triển lãm du lịch ở Huế, TP. Hồ Chí Minh... Ngoài ra, ngành Du lịch tỉnh đã tích cực hợp tác với các hãng truyền hình của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Đức và nhiều kênh truyền hình quốc gia khác để làm phim, xây dựng các chương trình giới thiệu, quảng bá về du lịch tỉnh nhà. Ngành cũng đã phối hợp với Công ty Lữ hành Quốc tế Oxalis tổ chức họp báo giới thiệu về du lịch Quảng Bình với 62 hãng du lịch quốc tế, 40 hãng du lịch trong nước.

Với mục tiêu xây dựng ngày càng nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách, tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, khai thác thế mạnh này, trong đó có du lịch mạo hiểm đang có sức hấp dẫn với du khách quốc tế cũng như du khách trẻ tuổi. Công ty Lữ hành Quốc tế Oxalis đã mời chuyên gia hàng đầu về hang động - ông Howard Limbert, đến từ Hiệp hội thám hiểm hang động Hoàng gia Anh - để quảng bá du lịch hang động và đào tạo hướng dẫn viên du lịch mạo hiểm. Mặt khác các tour như rào Thương - hang Én đến Phong Nha, hành trình khám phá đỉnh U Bò - đỉnh núi cao nhất trong quần thể Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng... mở ra những triển vọng mới cho du lịch của tỉnh. Một trong những hướng đi có tính đột phá của Quảng Bình là việc đầu tư loại hình du lịch mới là hội nghị trong hang động, bước đầu sẽ được đầu tư tại cụm hang động Tú Làn. 

Nằm trong chuỗi kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 25 năm tái lập tỉnh và 55 năm Ngày mở đường Trường Sơn. Đây là thời điểm để ngành Du lịch tỉnh đẩy mạnh các hoạt động nhằm thu hút khách du lịch đến với Quảng Bình... Hướng tới mục tiêu năm 2014, tỉnh sẽ thu hút 1,3 triệu lượt khách, trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 1.300 tỷ đồng, đồng thời phấn đấu từng bước đưa du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với chiến lược cùng cách làm mới, du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục là địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước, quốc tế đến để tận hưởng và khám phá vẻ đẹp huyền bí của vương quốc động mà địa phương đang sở hữu.   
Sau khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức UNESCO công nhận vào năm 2006 là Di sản văn hóa đại diện của nhân loại, tỉnh Gia Lai đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nỗ lực gìn giữ loại hình văn hóa phi vật thể này của người Bahnar và J’rai theo tinh thần Công ước 2003 (Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể).

Số lượng bộ cồng chiêng của người Bahnar và J’rai ở các buôn làng ngày càng tăng nhiều hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng cồng chiêng trong các ngày lễ hội của cồng đồng. Từ năm 2004, toàn tỉnh chỉ còn 5.126 bộ cồng chiêng với khoảng 79.000 chiếc và nay đã tăng lên hơn 5.600 bộ, trong đó có rất nhiều bộ chiêng cổ có giá trị. Có những vùng còn lưu giữ nhiều cồng chiêng như huyện Ia Grai có 89 buôn làng người J’rai thì có đến hơn 1.000 bộ, bình quân mỗi buôn làng có từ 10 - 12 bộ cồng chiêng. Riêng xã Ia O còn lưu giữ nhiều nhất với hơn 500 bộ, trong đó có tới 300 bộ thuộc dạng cồng chiêng cổ quý có giá trị. Các buôn làng người Bahnar ở huyện K’Bang cũng còn lưu giữ được hơn 900 bộ...

Tuy nhiên, số lượng cồng chiêng hiện có trên địa bàn được phân bổ không đều trong cộng đồng người Bahnar và Jrai, nơi nhiều - nơi ít, thậm chí có những vùng có nguy cơ biến mất. Năm 2006, tỉnh đã đầu tư 200 triệu đồng để mua thêm các bộ cồng chiêng mới trang bị cho các buôn làng không còn cồng chiêng và giao cho cộng đồng làng quản lý. Tỉnh còn mở các lớp truyền dạy chỉnh chiêng cho các nghệ nhân lớn tuổi. Một số huyện mở hội thi chỉnh chiêng trong cộng đồng, nhằm bảo tồn giá trị những bộ cồng chiêng bằng những âm thanh hay và chuẩn, có độ vang xa. Những lớp đánh chiêng cũng được truyền dạy cho học sinh dân tộc trong các trường học, nhất là trong các trường học nội trú - bán trú. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mang Yang đã thành lập được đội cồng chiêng với hơn 20 em sử dụng thông thạo một số bộ chiêng và đại diện cho các trường học tham gia các cuộc liên hoan trong và ngoài tỉnh. 


Cấp huyện và cấp xã cũng đã tổ chức các cuộc liên hoan cồng chiêng theo định kỳ 2 năm 1 lần, thu hút tất cả các đội cồng chiêng ở nhiều lứa tuổi trên địa bàn cùng tham gia. Đặc biệt có 2 cuộc liên hoan cồng chiêng có quy mô lớn là: Liên hoan cồng chiêng các huyện phía Đông của tỉnh được tổ chức tại làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện KBang) vào tháng 9/2011, với sự tham gia của 10 đội cồng chiêng và 400 nghệ nhân. Liên hoan cồng chiêng thanh - thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ nhất được tổ chức tại Công viên Đồng Xanh (thành phố Pleiku) vào năm 2011 với sự tham gia của hơn 500 thanh - thiếu nhi dân tộc của 15 đội cồng chiêng ở các huyện. Những hoạt động lớn hơn nữa là tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên tổ chức những hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá các di sản như: "Gặp gỡ các nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên lần thứ nhất" vào năm 2007 tại thành phố Pleiku, với sự tham gia của 71 nghệ nhân chỉnh

chiêng của 11 dân tộc anh em cùng sinh sống tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Tổ chức Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại tỉnh Gia Lai với sự tham gia của 60 đoàn cồng chiêng đến từ các tỉnh trong nước và 6 quốc gia trong khu vực. Vào thời điểm những tháng đầu năm 2014 này, tỉnh cũng đã hưởng ứng mạnh "Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên" và đã tổ chức thành công các lễ hội, các tour du lịch sinh thái gắn liền với cồng chiêng của người Bahnar và J’rai. 


Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: đây là những kết quả đáng mừng song cũng chỉ là bước đi ban đầu trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của người Bahnar và J’rai trên địa bàn. Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, ngành đang cùng với các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh nghiên cứu và tăng cường hơn nữa các hoạt động phù hợp, nhằm tiến tới bảo vệ bền vững các loại hình di sản văn hoá phi vật thể này

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Hạ Long được xếp thứ 26 trong top 100 của Business Insider, ngoài ra còn có nhiều quốc gia châu Á khác cũng nằm trong danh sách này.

Business Insider vừa công bố top 100 điểm hấp dẫn trên thế giới mà những ai đam mê khám phá, du lịch nên đến một lần trong đời. Tại mỗi điểm đến, trang web này chỉ giới thiệu bằng một câu miêu tả ngắn gọn, súc tích. Vịnh Hạ Long được khuyên là nơi du khách khắp thế giới nên đến và "trải nghiệm một đêm bềnh bồng trên một chiếc thuyền buồm ngoài khơi".

Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh thuộc khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, có diện tích khoảng 1.553 km2. Năm 1962 Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng kỳ quan này là di tích danh thắng cấp quốc gia đồng thời quy hoạch vùng bảo vệ. Năm 1994 vùng lõi của vịnh được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ và được tái công nhận lần thứ 2 với giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo vào năm 2000. 

Ngoài vịnh Hạ Long, một số điểm đến thuộc các nước châu Á cũng được Business Insider liệt kê trong danh sách như Campuchia, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.