Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Hà Giang, đồng bào Tày chiếm khoảng 30% dân số. Đồng bào Tày có đời sống văn hóa phong phú, một trong những nét đẹp văn hóa đó là lễ mừng thọ đầu xuân.

Mùa xuân là thời điểm vạn vật giao hoà, đó cũng là lúc các gia đình có người cao tuổi tổ chức mừng thọ cho ông bà, cha mẹ mình. Khác với một số dân tộc khác thường mừng thọ theo các tuổi chẵn 70, 80, 90, người Tày thường mừng thọ vào các tuổi lẻ 49, 61 và 73. Thông thường ở độ tuổi 73, người Tày mới làm thọ to và sau đó trở đi, dù sống đến bao nhiêu cũng không làm mừng thọ nữa. Theo giải thích các năm trên là năm hạn trong đời, nên tổ chức mừng thọ cũng là để giải hạn.

Có dịp về xã Phú Linh (Vị Xuyên) được chứng kiến việc tổ chức lễ mừng thọ cho người cao tuổi, mới thấy hết ý nghĩa, nét đẹp được đồng bào Tày nơi đây lưu giữ. Theo truyền thống ở đây, để tổ chức mừng thọ, các gia đình phải mời thầy tạo. Trong thời điểm mừng thọ, con cháu quây quần, bà con sum họp chúc tụng cho người được mừng thọ. Theo phong tục, gia đình phải làm một mâm cúng tươm tất gồm đôi gà - vịt, thủ lợn và bốn chân lợn, bánh dày, rượu và hoa quả. Thầy tạo sẽ viết những câu chúc thọ bằng chữ Nôm hoặc Hán lên giấy đỏ, vải đỏ treo và dán lên các cột chính trong nhà. Tiếp đó, thầy tạo cúng ở 2 nơi là dưới gầm sàn và trên sàn. Cúng dưới sàn với ý nghĩa báo tin, tạ ơn thổ công, thổ địa; cúng trên nhà sàn với ý nghĩa báo cáo với gia tiên. Lúc này, con cháu, anh em, bà con quây quần đông đủ để nghe thầy tạo đọc các bài cúng kèm với tiếng trống, chiêng, tao nên không khí lễ rộn ràng. Khi cúng, người được cúng phải ở trong buồng, gia đình lấy một tấm vải trắng gấp thành 9 gấp nếu là phụ nữ và mỗi gấp được gấp kèm một bông lúa, nếu là đàn ông thì gấp 7 gấp rồi để trong buồng. Khi cúng lễ song, con cháu dẫn bố, mẹ từ trong buồng ra dẫn theo tấm vải gấp rồi để người được mừng thọ ngồi chỗ làm lễ cho con cháu bón cơm, nước với ý nghĩa chăm sóc, báo hiếu cho bố mẹ. Anh em, hàng xóm lúc này mang quà đến chúc thọ, hàng xóm thì mang gà, gạo đến biếu, anh em, họ hàng thì làm bánh dày, vải đỏ... đến biếu cho người đắc thọ.

Trong lễ mừng thọ, con rể (nếu không có con rể thì cháu rể) của gia đình phải tự tay làm một chiếc nhà khoăn thật đẹp (một cái cổng gỗ) với ý nghĩa là để mừng thọ cho bố, mẹ vợ, tiếp sức, đón đưa cho họ khi tuổi già. Các chàng rể mang lễ gồm 2,5 m vải đỏ, đôi gà, vịt, bánh dày, rượu đến rồi nhờ thầy tạo cúng mừng thọ cho bố, mẹ vợ. Các chàng rể sẽ tự tay đan cái giỏ nhỏ bằng vốc tay, cho thóc khô, tiền giấy, vải đỏ vào chiếc giỏ đó rồi treo lên nóc nhà khoăn và trên nóc nhà sàn. Nếu gia đình nào còn cả bố mẹ thì các chàng rể làm nhà khoăn có 4 cột, nếu chỉ còn bố hoặc mẹ thì chỉ làm nhà khoăn 2 cột. Việc làm nhà khoăn xong, các chàng rể sẽ tiến hành cúng lễ tại đó, sau đó mời bạn bè, anh em cùng hạ lễ xuống và ăn uống ngay tại nhà khoăn.

Lễ mừng thọ của người Tày ở Phú Linh nói riêng và một số địa phương khác có thể có những nét khác nhau về cách tổ chức, nhưng đều có chung một mục đích là mừng thọ và giải hạn. Lễ là dịp để anh em, họ hàng, làng xóm cùng quây quần, chứng tỏ mối quan hệ tình cảm khăng khít, trọng tình nghĩa của người Tày. Nghi lễ mừng thọ đầu xuân của người Tày cũng thể hiện nét văn hoá tâm linh của người Tày, cầu thần linh phù trợ cho con người được sống lâu, sinh sôi, no đủ. Đặc biệt, nghi lễ cũng giáo dục con cháu đức hiếu thảo. Qua đây cũng là dịp để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ cộng đồng của người Tày cùng gắn kết chặt chẽ để đấu tranh và sinh tồn trước cuộc sống./

0 nhận xét:

Đăng nhận xét